Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Làm nghề y phải có lương tâm và không được dốt

“Làm nghề y không được dốt” đây là lời phát biểu của ông Phạm Mạnh Hùng nguyên thứ trưởng Bộ Y Tế tại buổi tập huấn “Công tác truyền thông và thông tin y tế 2015”, buổi tập huấn diễn ra vào ngày 19/10 vừa qua để cập đến các vấn đề như quan điểm về sức khỏe, ngành Y và đạo đức của người thầy thuốc.



Nghề y là nghề đặc biệt

GS cho rằng, nghề y là nghề đặc thù, đặc biệt, trong đó, người thầy thuốc được trao một quyền lớn nhất là nắm sinh mạng của người khác.

Có thể bạn quan tâm:
Một nam bệnh nhân đang nằm viện bỗng lên một cơn đau tim đột ngột, đe dọa vỡ tim, chắc chắn sẽ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Giám đốc bệnh viện lập tức triệu tập các phẫu thuật viên giỏi của bệnh viện và một ca mổ “có một không hai” được chỉ định là phẫu thuật tim cho bệnh nhân ngay tại giường bệnh. Một cuộc đại phẫu đầy rủi ro vì không được thực hiện theo các bước như quy trình. Kết thúc ca mổ, bệnh nhân sống.

Còn nếu chết? Chắc chắn bác sĩ có khả năng gặp chuyện “rầy rà” vì dư luận sẽ khó có thể “bỏ qua” việc ca mổ không được chuẩn bị, thiếu môi trường vô trùng… “Trong bệnh cảnh dọa vỡ tim, nếu di chuyển bệnh nhân lên tới tận phòng mổ sẽ không còn kịp nữa, huyết áp, mạch tụt về 0! Người thầy thuốc trong trường hợp ấy đòi hỏi một sự quyết đoán ghê gớm. Mục tiêu cao nhất là cứu sống người bệnh. Nghề Y đòi hỏi người làm nghề chịu một sức ép rất lớn là vậy. Tình huống ấy, chỉ có lương tâm người thầy thuốc mới giải thích được mọi chuyện” - GS nhấn mạnh.

Nghề y cũng là một nghề dễ làm lây bệnh qua người khác. Bệnh viện nhìn chung là bẩn chứ không sạch vì là nơi tập trung, lưu cữu nhiều loại vi khuẩn. Người thầy thuốc hằng ngày hoạt động trong môi trường ấy sẽ dễ mang những vi khuẩn vào người, khi thao tác, cứu chữa, nếu sơ sót cũng sẽ lây bệnh cho người khác. Vi khuẩn trong bệnh viện lại thường kháng kháng sinh rất cao, vì chúng đã thường xuyên được “rèn luyện” với đủ các loại kháng sinh. Do vậy, lý giải tại sao nhiều trường hợp vào viện lại mắc thêm nhiều bệnh nặng khác. Cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề sử dụng kháng sinh tại Việt Nam hiện nay.

Người làm nghề y phải có lương tâm và trí tuệ

Tại châu Âu cho tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân vẫn được dùng kháng sinh thế hệ 1 để điều trị, nhưng tại Việt Nam, các bệnh viện của ta đã và đang phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 vì nhiều vi khuẩn đã “lờn” với kháng sinh. Đây là hậu quả của việc người dân ta nhiều năm qua có thói quen dùng kháng sinh mà không cần kê đơn, không cần khám bác sĩ. GS cũng đề nghị, ngành Y tế cần sớm nghĩ tới chiến lược dùng thuốc kháng sinh trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Y nghiệp và tầm quan trọng của việc an toàn người bệnh

Gần đây cũng rộ chuyện sai sót y khoa (SSYK), GS cũng đưa ra hình ảnh minh họa là một chiếc ống nghe của thầy thuốc được đặt cạnh chiếc còng số 8 để nói đến việc cẩn trọng trong hành nghề y.

Trong đó, an toàn của người bệnh phải được đặt lên trên hết. Việc phẫu thuật viên quên dao, kéo, gạc… trong cơ thể bệnh nhân đã xảy ra khá phổ biến. Tại sao? Cấu tạo con người phức tạp và đa dạng. Mạch máu người này không giống người khác, trong khi kiến thức, kỹ thuật y khoa ứng dụng ngày càng phong phú, hiện đại. Thay vì nhìn trực tiếp vào tổn thương xử lý thì ngày nay, bác sỹ nhìn qua màn hình quang thao tác, xử lý cho bệnh nhân, khó gấp nhiều lần so với nhìn trực tiếp.

Nhưng theo GS Mạnh Hùng, lý do SSYK xảy ra chủ yếu vẫn do chủ quan, thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên môn hay nói thẳng là: dốt! “Làm nghề y không được dốt”, GS nhấn mạnh. Tại Mỹ người ta đã xếp SSYK là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho con người, trong đó, SSYK trong khâu chẩn đoán (chiếm 17%); trong việc gây ra tổn thương cho bệnh nhân (chiếm 12%); do ra toa thuốc sai (10%); do thao tác kỹ thuật sai: chiếm tới 44%.

Cũng theo GS, ở các nước, sinh viên ngành Y tối thiểu phải 9 năm mới được hành nghề. Ở nước ta 6 năm đã tốt nghiệp và làm việc. Trong mổ nội soi của Việt Nam, bác sĩ ở tuyến huyện đã được mổ. Còn tại nước ngoài, mổ nội soi trước hết phải được học và có kinh nghiệm mổ hở. Vì trong mổ hở, cơ quan nội tạng đều được “bộc lộ” mà còn khó thế, nữa là mổ nội soi.

Cũng theo GS, nghề y còn là nghề làm phúc, nghề cứu người, nên đừng bắt người bệnh phải trả ơn trực tiếp. Quan niệm này vẫn đúng trong thời kỳ kinh tế thị trường. Bộ Y tế và các ban ngành ta đang hướng tới việc ứng xử trong môi trường bệnh viện nhưng mới “chạm” tới vấn đề ứng xử với người sống mà quên những quy tắc ứng xử với người sắp chết và người chết.

Không thể chấp nhận cảnh một bệnh nhân vừa tử vong, người y tá đứng từ xa, giựt phắt các dây điện cực đang gắn trên ngực của người bệnh. Hành động vô cảm ấy sẽ làm thân nhân người bệnh rất đau đớn. Thứ nữa, sai lầm lớn nhất của nhiều bác sĩ hiện nay là không phân biệt giữa hành nghề y với vấn đề mưu sinh. Chỉ một sơ sót, coi thường tính mạng người bệnh, tai họa sẽ ập tới nghiêm trọng - như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Bác sĩ cũng có quyền làm giàu nhưng phải đặt sức khỏe và mạng sống người bệnh lên trên quyền lợi cá nhân. Ngoài ra, thật nguy hại nếu để y, bác sĩ tự mưu sinh, dẫn đến mất công bằng ngay trong đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt là người ở vùng sâu, vùng xa. Động cơ làm giàu sẽ dẫn đến những sai lệch trong xử lý chuyên môn, thiếu tập trung nghề nghiệp, hay rơi vào tình cảnh phải lừa bịp bệnh nhân bằng nhiều cách. Về nguy hiểm lâu dài việc nhầm lẫn này của người thầy thuốc sẽ trở thành rào cản lớn nhất trong việc thực thi các chính sách của ngành Y tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét